Chương trình Thời sự thứ Ba, 04/06/2019

Cẩm Nhung | 04/06/2019 | 791 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Chiếc xe cảnh sát chạy bằng điện đầu tiên vừa được đưa vào sử dụng

- Tin Úc: Cảnh báo phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe thai nhi

- Victoria: Trợ cấp lớn cho các dự án xây dựng công viên mới tại các khu ngoại ô đang phát triển

- Footscray: Va chạm với xe hơi, người đàn ông lái xe mô tô tử vong sau khi nhập viện

- Victoria: Melbourne sẽ có thêm khu Chinatown thứ nhì với tổng đầu tư 450 triệu đô la

- Tin Úc: Úc đang trên đà đạt được mục tiêu 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030

- Tin Úc: Ngày càng nhiều người trẻ tuổi bị ung thư ruột hơn bao giờ hết

- Giá nhà toàn quốc tiếp tục giảm, thị trường địa ốc sẽ chạm đáy vào cuối năm nay

- Tin vắn

Tin thế giới:

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker vừa lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên giảm số lượng ủy viên vì theo ông, không có đủ công việc cho 28 người. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu tạm thời chưa thay thế những người được bầu làm nghị sỹ châu Âu. Năm ủy viên thuộc EC đã được bầu vào EP là các Phó Chủ tịch Frans Timmermans, Andrus Ansip và Valdis Dombrovskis, các ủy viên Corina Creţu và Mariya Gabriel. Các nghị sỹ được bầu phải quyết định trước ngày 1/7 về việc có nhậm chức hay không. Nếu các ủy viên trúng cử EP chấp nhận điều này, những người này sẽ không làm tại Ủy ban nữa và đất nước của họ sẽ không có ủy viên trong 4 tháng.

Bắt đầu từ ngày 4/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Liên bang Nga. Đây được xem là chuyến thăm quan trọng, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc đối thoại trong một chương trình nghị sự lớn, nhằm thúc đẩy toàn diện hợp tác song phương. Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga lần này được đánh giá đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra căng thẳng. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, sẽ có những đóng góp mang tính lịch sử vào việc tăng cường lòng tin chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh.

Ngày 4/6, Ngày thế giới phòng chống nạn bạo hành trẻ em. Đây là dịp để LHQ nâng cao nhận thức của mọi người về những nỗi đau thể chất và tinh thần mà các em nhỏ là nạn nhân của bạo hành đang phải gánh chịu. Nhân Ngày thế giới phòng chống nạn bạo hành trẻ em, đặc phái viên của LHQ về hòa bình và hòa giải đã kêu gọi các chính phủ, tổ chức, cá nhân trên toàn cầu cần hành động, cam kết mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em khỏi những cuộc xung đột và chấm dứt nạn bạo hành đối với trẻ em. Theo thống kê của LHQ, hơn 2 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã thiệt mạng do xung đột trong 2 thập kỷ qua. Khoảng 10 triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột. Riêng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe, có khoảng 80.000 trẻ em thiệt mạng mỗi năm do nạn bạo hành.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trong một tuyên bố ngày 2/6 cho biết, Canada sẽ dừng các hoạt động tại Đại sứ quán nước này ở Venezuela. Lý do Canada đưa ra là có một số giới hạn về chức năng của các Đại sứ quán nước ngoài tại Venezuela và Canada không có lựa chọn nào khác ngoài việc dừng tạm thời hoạt động. Ngoại trưởng Canada cũng khẳng định lập trường sẽ tiếp tục phản đối chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Canada thuộc nhóm Lima bao gồm một số quốc gia Mỹ Latinh. Nhóm này đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy kế hoạch ủng hộ lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido và tìm các biện pháp loại bỏ Tổng thống Maduro. Mỹ trước đó cũng kêu gọi Canada ủng hộ nước này trong lập trường đối với Cuba và Venezuela.

Ngày 3/6, quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại thủ đô Seoul. Trọng tâm của cuộc hội đàm là vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên và cách thức củng cố liên minh Mỹ - Hàn. Phát biểu tại cuộc hội đàm, ông Shanahan tuyên bố Mỹ kiên quyết thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế. Lãnh đạo quốc phòng hai nước cũng nhấn mạnh đến việc hối thúc Triều Tiên quay trở lại đàm phán hạt nhân. Chiều 3/6, ông Shanahan đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để trao đổi quan điểm về vấn đề Triều Tiên.

Nga đã cam kết sẽ tái chế 60% chất thải vào cuối năm 2024 tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường vẫn quan ngại về tính khả thi do chưa có nhiều biện pháp được triển khai. Tại Nga, chỉ có 6% rác thải của đất nước này được tái chế, trong khi con số này tại Pháp là 42%, ở Đức là 68%. Tái chế rác thải quá ít khiến nước Nga đang gặp rắc rối lớn về rác thải. Bãi rác Timokhovo, tại Moscow, nhìn từ trên cao như một bãi rác khổng lồ. Những chiếc xe tải chở rác hoạt động không ngừng nghỉ, ra - vào 24/7. Cách đó chỉ vài mét, người ta đang chuẩn bị xây dựng 1 lò đốt rác thay vì tái chế chúng. Đó là điều mà nhiều người dân địa phương đang nỗ lực phản đối. Hơn 90% chất thải gia đình ở Nga kết thúc tại các bãi rác, chưa kể những bãi rác bất hợp pháp.

Căng thẳng lại leo thang trong quan hệ ngoại giao Nga - Liên minh châu Âu (EU). Moscow hôm 2/6 tuyên bố sẽ mở rộng danh sách đại diện của những quốc gia thành viên EU bị cấm nhập cảnh vào Nga. Lý giải cho quyết định trên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, EU cũng vừa đơn phương thực thi các biện pháp hạn chế đối với nhiều công dân Nga. Số lượng cá nhân trong danh sách của Nga giờ đã cân bằng với con số trong danh sách của EU. Hồi tháng 3 vừa qua, EU đã công bố danh sách đen gồm 177 cá nhân và 44 tổ chức của Nga nhằm đáp trả cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các biện pháp hạn chế đã lần đầu được áp dụng từ tháng 3/2014. Đến tháng 3 năm nay, các biện pháp này đã tiếp tục được gia hạn đến ngày 15/9 tới.

Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 3/6 cho rằng để vô hiệu hóa các phần tử khủng bố thực hiện các cuộc tấn công từ Idlib, Syria, cần phải áp dụng các biện pháp cần thiết. Ông Peskov đưa ra phát biểu trên nhằm đáp lại việc Tổng thống Mỹ Donald Trum kêu gọi Nga ngừng không kích khu vực tỉnh Idlib. Ông cho biết thêm Nga đang phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố lực lượng Nga chỉ thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở khủng bố theo thông tin tình báo được kiểm chứng.

Hãng thông tấn Tasnim đưa tin ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Iran đã bác lời kêu gọi đối thoại của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nêu rõ tuyên bố của Washington về việc sẵn sàng đối thoại với Tehran là không thật sự thiện chí, chỉ là "sáo rỗng chứ không phải là thước đo cho hành động." Bình luận này nhằm đáp lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi tới thăm Thụy Sĩ, trong đó nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tuyên bố Washington sẵn sàng tham gia đối thoại với Tehran mà không cần điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế các hoạt động tiêu cực của Iran.

Hệ thống lương hưu của Chính phủ Nhật Bản không còn đủ để duy trì sinh kế của người dân trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh chóng trong xã hội hiện nay. Đây là báo cáo do một hội đồng tại Cơ quan Các dịch vụ tài chính Nhật Bản công bố ngày 3/6. Báo cáo cũng cho rằng số tiền lương hưu, một trong những nguồn tiết kiệm quan trọng của người dân Nhật Bản, khả năng sẽ giảm theo thời gian. Do đó, cơ quan trên kêu gọi người dân chủ động quản lý tài chính để lên kế hoạch nghỉ hưu. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cá nhân tham gia quỹ lương hưu nhà nước sẽ gặp nhiều rủi ro hơn so với trước đây khi lên kế hoạch tài chính trong tương lai.

Các hoạt động chạy đua vào cương vị người đứng đầu đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh, cùng với đó là ghế Thủ tướng, đã bắt đầu diễn ra sôi động mặc dù Thủ tướng Anh đương nhiệm Theresa May sẽ chỉ chính thức từ chức vào ngày 7/6 tới. Việc một loạt các nhân vật tên tuổi trong đảng Bảo thủ Anh phát động chiến dịch tranh cử vào ghế Thủ tướng trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông "xứ sở sương mù" trong ngày 3/6, ít nhiều làm lu mờ một sự kiện quan trọng khác là Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm Anh cấp nhà nước trong 3 ngày theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị. Hiện đã có ít nhất 13 ứng cử viên công khai ý định tham gia chạy đua vào chức Chủ tịch đảng Bảo thủ sau ngày 7/6 tới. Tổng cộng 313 nghị sỹ Bảo thủ tại Hạ viện Anh sẽ lựa chọn lấy 2 ứng cử viên cuối cùng trong danh sách rút gọn.

Bộ Môi trường Nhật Bản đang xem xét ban hành lệnh cấm các siêu thị, cửa hàng cung cấp túi nylon miễn phí cho người mua hàng nhằm giảm rác thải nhựa, vốn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng ở nước này. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada bày tỏ mong muốn dự luật liên quan được trình lên Quốc hội càng sớm để có thể phê duyệt trước thời điểm Nhật Bản tổ chức các thế vận hội Olympic và Paralympic năm 2020. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực đối với cả các cửa hàng dược phẩm, cửa hàng bách hóa và cửa hàng bán lẻ khác, bên cạnh các siêu thị và cửa hàng tiện ích. Theo Bộ trưởng Harada, người mua hàng sẽ phải mua túi nylon, với mức phí do các doanh nghiệp tự quyết định.

Tin thể thao:

Djokovic vào tứ kết Roland Garros: Vừa qua, hạt giống số một Novak Djokovic đã đánh bại Jan-Lennard Struff với tỷ số 3-0 (6-3; 6-2; 6-2) sau 1 giờ 36 phút thi đấu ở vòng 4 Roland Garros 2019. Kết quả này đã giúp tay vợt người Serbia giành quyền vào tứ kết cùng Roger Federer và Rafael Nadal. Djokovic đã lập thành tích lần thứ 44 lọt vào tứ kết các giải Grand Slam, và là lần thứ 10 liên tiếp đối với riêng giải Pháp mở rộng. Đối thủ của anh trong trận đấu tới sẽ là hạt giống số 5 Alexander Zverev.

Ở những diễn biến khác, Khachanov đã đánh bại Del Potro với tỷ số 7-5, 6-3, 3-6, 6-3 để vào tứ kết gặp Dominic Thiem, người đã giành chiến thắng trước Monfils ở trận đấu trước đó với tỷ số 6-4, 6-4, 6-2. ĐKVĐ nữ Halep đã đánh bại tay vợt trẻ tuổi người Ba Lan Iga Swiatek với tỷ số 6-1, 6-0 để giành quyền vào tứ kết gặp Amanda Anisimova.

Andy Murray chính thức trở lại: Sau khi tuyên bố nghỉ hưu tại Australian Open 2019, Andy Murray chính thức có động thái đầu tiên để trở lại sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp. Theo xác nhận của ban tổ chức giải Queen's Club, tay vợt người Anh sẽ thi đấu cùng Feliciano Lopez ở nội dung đôi nam. Đây là bước khởi đầu để Murray thi đấu tại Wimbledon 2019.

Real Madrid chuẩn bị ra giá đầu tiên hỏi mua Salah: Theo báo Tây Ban Nha, trong vòng 1 tuần nữa Real sẽ gửi tới Liverpool đề nghị chuyển nhượng đầu tiên đối với Mohamed Salah. Sau chung kết Champions League, cả Zidane và Chủ tịch Perez đều thống nhất với nhau rằng họ cần mua ngôi sao Ai Cập. Liverpool định giá Salah khoảng 200 triệu euro. Salah đã 2 mùa liên tiếp là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất Premier League. Anh góp công không nhỏ giúp Liverpool vô địch Champions League mùa này. Chủ tịch Perez dự kiến đầu tư 500 triệu euro mua sắm cầu thủ cho Real Hè này.

Đại diện Real tới London để chốt vụ Hazard: Theo tờ Goal, Real Madrid sẽ gửi đại diện tới London để đàm phán với Giám đốc Chelsea, Marina Granovskaia, về trường hợp của tiền vệ Eden Hazard. Những cuộc đàm phán về tương lai của cầu thủ người Bỉ đã diễn ra trong suốt thời gian qua nhưng đây là lúc mà Real nghiêm túc hơn bao giờ hết. Chelsea đang muốn 130 triệu euro (115 triệu bảng) cho Hazard nhưng phía Real chỉ muốn trả 100 triệu euro (89 triệu bảng). Nhưng dù thế nào, một thỏa thuận giữa hai bên cũng sẽ sớm xảy ra. Trước đó, Hazard đã đạt tất cả thỏa thuận cá nhân cùng Real.

MU chờ câu trả lời từ De Ligt: MU sẵn sàng vung tiền trên thị trường chuyển nhượng Hè này để đảm bảo có thể kết thúc ở vị trí top 4 mùa sau. Một trong những mục tiêu hàng đầu của họ là trung vệ De Ligt của Ajax. HLV Solskjaer đang muốn trẻ hóa đội hình MU và cầu thủ 19 tuổi này rất phù hợp với ông. Và theo The Independent, MU đang chờ câu trả lời từ người đại diện của De Ligt. Trước đó, người đại diện này nói với “Quỷ đỏ” rằng De Ligt sẽ ra quyết định về bến đỗ tiếp theo của mình trong vài ngày tới.

Liverpool “thưởng nóng” cho Juergen Klopp: Theo báo Anh, Liverpool dự kiến gia hạn hợp đồng và tăng lương 30% cho ông Juergen Klopp. Nhà cầm quân 51 tuổi người Đức còn 3 năm hợp đồng và đang hưởng lương 7 triệu bảng/mùa nhưng ban lãnh đạo The Kop sẵn sàng tăng lương cho ông lên 10 triệu/mùa sau khi Klopp giúp Liverpool vô địch Champions League 2018-19. Dưới sự dẫn dắt của Klopp, Liverpool cũng tiến rất sát tới chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa qua với đúng 1 điểm ít hơn Man City.

HLV mới của Juventus vẫn trong vòng bí mật: Có lẽ chưa bao giờ Juventus khiến người ta phải phán đoán về danh tính HLV mới của họ nhiều như thời điểm này. Truyền thông Italy bị chia rẽ thông tin và quan điểm về danh tính nhà cầm quân được Juve chọn để thay thế ông Max Allegri. Một số nguồn tin nói rằng Juve chọn Maurizio Sarri làm HLV mới. Một số khác lại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng Pep Guardiola mới là HLV tiếp theo của Juve. Lại cũng có nguồn tin đề cập khả năng Juve chọn Mauricio Pochettino làm HLV mới thay Max Allegri. Ban lãnh đạo Juve thì vẫn im lặng. Mọi thông tin lúc này vẫn chỉ là tin đồn khiến danh tính HLV tiếp theo của đội bóng này vẫn chìm trong vòng bí mật.

Max Allegri “bật đèn xanh” cho Chelsea: Theo báo Anh, ông Max Allegri đã nói với một số người bạn rằng muốn dẫn dắt Chelsea. Thông tin được đưa ra trùng thời điểm The Blues vừa chia tay một HLV người Italy khác là ông Maurizio Sarri khiến người ta không loại trừ khả năng Chelsea có thể tiếp cận Max Allegri. Đội bóng Anh không ít lần đặt niềm tin vào các HLV người Italy như Vialli, Conte, Di Matteo, Sarri nên nếu họ có bổ nhiệm Max Allegri làm HLV mới thì cũng không có gì bất ngờ. Ông Allegri đã khẳng định được tên tuổi sau 5 mùa dẫn dắt Juventus, giúp Juve giành 5 Scudetto và 2 lần vào CK Champions League.

Chủ tịch PSG đàm phán mua Leeds. Mặc dù thất bại trong việc giành vé thăng hạng Premier League, nhưng thành tích thi đấu của Leeds gây rất nhiều chú ý. Mới đây tờ L’Equipe đã cho biết chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của PSG đã có cuộc gặp mặt riêng với HLV Marcelo Bielsa để bảo đảm tương lai của ông ở Leeds cũng như cam kết đầu tư tăng cường lực lượng.

Tại sao đối đầu Mỹ-Iran nguy hiểm hơn đối đầu Mỹ-Triều?

Theo Reuters, các chuyên gia an ninh hàng hải cho biết nhiều khả năng có chưa tới 4kg chất nổ trong quả bom gắn dưới đáy tàu chở dầu Andrea Victory của Na Uy, gây ra vụ nổ lớn làm hỏng phần đuôi tàu, khi chiếc tàu này đang neo đậu ở ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 12/5 vừa qua.

Cùng với đó là các vụ tấn công nhằm vào 3 con tàu khác và hai trạm bơm của đường ống dẫn dầu quan trọng ở Saudi Arabia gần đó. Tuy nhiên, các vụ tấn công này hầu như không có khả năng gây ra thiệt hại lớn hay làm gián đoạn nguồn cung dầu của thế giới.

Mặc dù vậy, đó không phải là mục tiêu của các các vụ tấn công nói trên - vốn bị Mỹ và nhiều nước khác cáo buộc do Iran và các đồng minh của nước này gây ra. Thay vào đó, các cuộc tấn công này dường như là một lời cảnh báo, thể hiện rằng Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của mình có thể gây ra hỗn loạn tới mức nào nếu căng thẳng với Washington và các đối thủ trong khu vực dâng cao và biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực.

Cuộc đối đầu này cho thấy những luật lệ của đối đầu quốc tế ngày càng trở nên mơ hồ, trong đó ngày càng nhiều quốc gia sẵn sàng sử dụng các hành động có thể dễ dàng chối bỏ và công nghệ đang phát triển để tấn công và gây ảnh hưởng tới kẻ thù. Đây là cách tiếp cận mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump - giống như chính quyền trước đây của cựu Tổng thống Barack Obama - đang tìm kiếm các chiến lược để đối phó.

Những kẻ thù

Như với Triều Tiên trong năm 2017, Tổng thống Mỹ và một số nhân vật xung quanh ông - đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - rất muốn sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ để gây đe dọa nhằm buộc các kẻ thù phải khuất phục.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này gặp rắc rối vì một loạt những thực tế về chiến lược và địa chính trị. Đó là chưa kể tới sự hoài nghi của quốc tế đang ngày càng lan rộng về việc liệu Mỹ có thực sự sẵn sàng mạo hiểm khi châm ngòi các cuộc chiến khốc liệt ở khu vực hay không, cùng với đó là tình hình địa chính trị khu vực phức tạp đã kiềm chế đáng kể và làm rắc rối thêm những lựa chọn trên thực tế của Washington.

Khi đối phó với các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều nhận thấy họ đã thất bại về mặt ngoại giao, không đáp ứng được kỳ vọng của Hàn Quốc - quốc gia rất mong muốn tránh một cuộc chiến tranh và đưa hai nước ngồi vào bàn đàm phán.

Tổng thống Trump rõ ràng vẫn hy vọng sẽ đạt được những đột phá ngoại giao lớn hơn, bất chấp sự hoài nghi ngày càng lớn. Tuy nhiên, như những gì chuyến công du vừa qua của ông tới Tokyo thể hiện, Tổng thống Trump nhận thấy ông đang bị mắc kẹt giữa các chủ thể lớn của khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản.

Là đồng minh và quốc gia duy nhất ủng hộ Triều Tiên, sức ép từ Bắc Kinh là yếu tố then chốt đưa ông Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, khi "cuộc chiến thương mại" Mỹ-Trung leo thang, Trung Quốc dường như đã giảm sức ép đối với Triều Tiên, và có khả năng đây là lý do chính khiến Triều Tiên quyết định tiếp tục chương trình thử tên lửa.

Điều này đã khiến Nhật Bản - đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực - thực sự lo ngại, và đây là vấn đề gây mâu thuẫn dễ nhận ra nhất trong chuyến công du Nhật Bản vừa qua của Tổng thống Trump.

Mặc dù kho đầu đạn hạt nhân nhỏ của Triều Tiên gây ra lo ngại, song từ những khía cạnh khác, có thể cuộc đối đầu của Washington với Tehran còn nguy hiểm hơn. Tại châu Á, các đồng minh cũng như các kẻ thù của Mỹ đều có một quyết tâm chung là cần tránh chiến tranh, trong khi đó tại Trung Đông quyết tâm này ít rõ ràng hơn.

Khi đối phó với Tehran, các đồng minh chủ chốt của Mỹ là UAE và Saudi Arabia rõ ràng đang coi họ là một bên trong cuộc xung đột này.

Cuộc xung đột ở Yemen, bị Liên hợp quốc coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo quốc tế tồi tệ nhất của thế giới, đã cho thấy tất cả các bên sẵn sàng tiến xa tới mức nào.

"Cuộc chiến trong bóng tối"

Dưới thời cựu Tổng thống Obama, chính phủ Mỹ đã mất nhiều thời gian và năng lượng đáng kể khi lo ngại rằng chương trình hạt nhân của Iran có thể khiêu khích một cuộc tấn công từ Israel và gây ra bất ổn lớn hơn tại khu vực. Thời kỳ đó đã chứng kiến một "cuộc chiến trong bóng tối" khi xảy ra một loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran vốn bị nghi ngờ do Israel thực hiện, từ đó dẫn tới các cuộc tấn công bị cho là do Iran thực hiện nhưng nước này đã phủ nhận nhằm vào đại sứ quán và các nhà ngoại giao của Israel ở Thái Lan và Ấn Độ.

Trong một khoảng thời gian, mọi chuyện có vẻ như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả các bên đã bình tĩnh trở lại và thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 dường như đã mở ra một con đường giúp Tehran cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, thỏa thuận này gần như đã bị Tổng thống Trump xé bỏ, một phần là để đáp lại việc Iran rõ ràng đã can thiệp vào nhiều địa bàn ở Trung Đông, từ Syria tới Iraq và Yemen.

Các quốc gia châu Âu thực sự mong muốn duy trì thỏa thuận này, song việc các khách hàng tiềm năng nhất mua dầu mỏ của Iran miễn cưỡng tuân theo lệnh cấm của Mỹ cho thấy quyết định của Washington thực sự đã có tác dụng.

Và trong bối cảnh chính quyền Trump cho biết Mỹ sẽ chấm dứt tất cả các miễn trừ còn lại đối với xuất khẩu dầu mỏ của Tehran - hoàn toàn cấm Tehran tham gia vào thị trường toàn cầu - thì Iran dường như ngày càng cảm thấy nước này chẳng còn gì để mất nữa.

Điều này đặc biệt đúng đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, vốn đã bị Washington liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố hồi tháng trước, và từ lâu luôn là lực lượng tiên phong của Iran khi thực hiện các hoạt động mạo hiểm nhưng có thể dễ dàng phủ nhận ở nước ngoài.

Tổng thống Trump đã đúng khi phát biểu tại Nhật Bản rằng không nước nào trong và ngoài khu vực thực sự muốn những điều "khủng khiếp" xảy ra.

Việc Nhật Bản sẽ gặp Iran vào mùa Hè này - một động thái có vẻ như được sự chấp thuận của Washington - cho thấy nhu cầu cần có các hoạt động ngoại giao đang tăng lên. Tuy nhiên, những rủi ro là hoàn toàn có thực.

Tất cả các bên rõ ràng đều muốn thể hiện rằng họ sẵn sàng cho một cuộc xung đột nếu cần, và những động thái như vậy có thể dễ dàng biến những lời tiên tri thành hiện thực.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 04/06/2019 là 1 AUD = 0.696 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 04/06/2019 là 1 AUD = 16,299 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5 đến 15 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7 đến 21 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào ở khu vực ven biển, gió di chuyển với vận tốc từ 20-35km/h, sóng lớn có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 18 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 14 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này