Chương trình Thời sự thứ Năm, 22/08/2019

Cẩm Nhung | 22/08/2019 | 848 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Đường Eastern Freeway có thể sẽ được công nhận là di sản

- Tin Úc: Học sinh sẽ được dùng biểu tượng cảm xúc để đánh giá bài giảng trên lớp

- Victoria: Tòa án giữ nguyên bản án cũ, bác bỏ đơn xin kháng cáo của Hồng y George Pell

- Melbourne: Cảnh sát sẽ tạo thành “vòng chắn thép” bảo vệ Melbourne vào cuối tuần này

- Tin Úc: Xem xét bắt buộc thực phẩm và đồ uống in rõ hàm lượng đường bổ sung lên bao bì

- NSW: Nguồn cung cấp nước ở Sydney giảm nhanh nhất lịch sử do hạn hán

- Di trú: Siết chặt bài kiểm tra nhân thân, chính phủ chưa rõ bao nhiêu di dân sẽ bị trục xuất

- Sự thật đằng sau lỗ hổng trên thị trường nhà cho thuê ở Úc

- Tin vắn

Tin thế giới:

Nga và Trung Quốc đã cùng lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành họp khẩn về vụ thử tên lửa hành trình của Mỹ. Động thái của Nga diễn ra sau khi Washington thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500 km. Vụ thử tên lửa này diễn ra chỉ hơn 2 tuần, sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga vào ngày 2/8. Việc Mỹ tiến hành thử tên lửa hành trình đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Điện Kremlin cho rằng hành động của Mỹ cho thấy Washington từ lâu đã tìm mọi cách rút khỏi INF và Mỹ chứ không phải Nga là người phá hủy hiệp ước này.

Cảnh sát Pháp đang khẩn trương thiết lập các chốt tuần tra trên các bãi biển nhằm đảm bảo an ninh cho vùng duyên hải phía Tây Nam quốc gia này. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp diễn ra tại thị trấn nghỉ dưỡng ven biển Biarritz của Pháp. Giới chức địa phương đã ra lệnh tạm ngừng mọi dịch vụ hàng không, đường sắt và đường bộ tới Biarritz để đảm bảo các tuyến đường sẵn sàng phục vụ những nhà lãnh đạo G7 tới dự hội nghị. Người biểu tình cũng bị cấm tập trung tại Biarritz. Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại Biarritz từ ngày 24 - 26/8. Chương trình được dự đoán sẽ tập trung vào các vấn đề toàn cầu như: căng thẳng thương mại, biến đổi khí hậu và thuế công nghệ mà nước chủ nhà Pháp đang thúc đẩy mạnh mẽ.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy, sáng 21/8, Tổng thống Sergio Mattarella đã chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Giuseppe Conte. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Conte, Tổng thống Sergio Mattarella đã yêu cầu ông tiếp tục thực hiện các công việc hiện nay của chính phủ. Theo giới phân tích, Tổng thống Italy có thể đề xuất thành lập một nội các kỹ trị tạm quyền trong vài tháng tới nếu các chính đảng đồng ý. Tuy nhiên, trong trường hợp không có lựa chọn nào khả dĩ, ông sẽ phải giải tán quốc hội và kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn, sớm nhất vào đầu tháng 10 tới. Một số ý kiến cho rằng, một liên minh mới, lâu dài sẽ là điều cần thiết cho Italy hiện nay, có thể một liên minh giữa đảng Dân chủ và Phong trào 5 sao sẽ được hình thành nhằm đảm bảo cho sự ổn định chính trị tại Italy.

Một ngày trước khi Thủ tướng Anh Boris Johnson có cuộc hội đàm trực tiếp lần đầu tiên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một trợ lý của ông Macron ngày 21/8 cho biết, một Brexit không thỏa thuận đang trở thành kịch bản có khả năng nhất đối với việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù vậy, nước Anh vẫn phải trả 39 tỷ bảng (47 tỷ USD) hóa đơn "ly hôn." Trước đó, hôm 20/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác khả năng tiến hành đàm phán lại thỏa thuận Brexit, đồng thời kêu gọi "các giải pháp thiết thực" để giải quyết các mối quan ngại về điều khoản "chốt chặn" gây tranh cãi hiện nay. Điều khoản "chốt chặn" là đề xuất của Brussels, đã được Anh và EU đưa vào thỏa thuận Brexit ký kết hồi tháng 11/2018 nhằm tránh khả năng thiết lập một đường biên giới cứng với những điểm kiểm soát hải quan giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

Ngày 21/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ phát triển hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn, nhưng sẽ không triển khai chúng trước khi Mỹ làm điều đó. Ông Putin cam kết an ninh quốc gia Nga sẽ được bảo đảm vững chắc trong bối cảnh tên lửa mới đang được chế tạo ở Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Helsinki với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto, Tổng thống Nga nhấn mạnh: Moskva cần phải đáp trả thích đáng những thách thức mới liên quan đến việc Mỹ chế tạo loại tên lửa bị cấm theo Hiệp ước các lực hạt nhân tầm trung (INF). Tổng thống Putin cho rằng Washington phát triển loại tên lửa này rất lâu trước khi tuyên bố rút khỏi INF. Moskva bày tỏ thất vọng trước việc Mỹ tiến hành thử loại tên lửa bị cấm theo INF, vì điều này sẽ khiến tình hình trên thế giới trở nên căng thẳng.

Theo Reuters ngày 22.8, chủ nhân Nhà Trắng xem việc siết chặt việc nhập cư vào Mỹ là vấn đề chính trong nhiệm kỳ tổng thống cũng như chiến dịch tái tranh cử của mình. Tuy nhiên, nhiều thay đổi trong chính sách chống người nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump đã bị các tòa án vô hiệu hóa. Tổng thống Trump từng tuyên bố trên trang Axios hồi tháng 10.2018 rằng ông có kế hoạch ký sắc lệnh hành pháp ngưng cấp quốc tịch Mỹ đối với những trẻ em nước ngoài sinh tại nước này. Các chuyên gia cho hay động thái trên nếu được thực hiện sẽ là vi phạm Hiến pháp Mỹ. Theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, tất cả những người sinh ra ở Mỹ đều trở thành công dân Mỹ, hưởng mọi lợi ích như một người Mỹ. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách này phải cần sự đồng ý của 2/3 số nghị sĩ trong Hạ viện và Thượng viện.

Ngày 21/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo ngược tuyên bố mà ông đưa ra một ngày trước đó về việc xem xét cắt giảm một số loại thuế nhằm kích thích nền kinh tế. Trả lời phóng viên báo chí, Tổng thống Trump nói: “Tôi không xem xét việc cắt giảm lãi suất hiện nay. Chúng tôi không cần điều đó. Chúng tôi có một nền kinh tế vững mạnh." Ông Trump nêu rõ ông không muốn có sự thay đổi đối với thuế lãi suất vốn vì làm như vậy có lẽ tốt hơn cho những người có thu nhập cao và ông muốn giúp những người ở tầng lớp trung lưu. Trước đó một ngày, ông chủ Nhà Trắng thông báo chính quyền của ông đang thảo luận về khả năng cắt giảm thuế lương như một biện pháp chiến lược nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cho biết ông đang xem xét thuế lãi suất vốn. Tuy nhiên, việc cắt giảm những khoản thuế đó có thể tạm thời giúp đỡ tầng lớp trung lưu, nhưng cũng có thể làm tăng thâm hụt và có thể làm tổn thương các chương trình an sinh xã hội vì tiền thuế lương của người dân Mỹ được chi cho các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 21/8 tuyên bố ông không muốn làm trầm trọng thêm tranh chấp thương mại và ngoại giao với Trung Quốc nhưng khẳng định chính phủ của ông không có ý định lùi bước và sẽ bảo vệ lợi ích của nước nhà. Phát biểu trước cử tọa ở Montreal chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc cảnh báo Canada không nên can thiệp vào vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), ông Trudeau đã lặp lại kêu gọi kiềm chế trong các cuộc tuần hành ở khu vực. Ông Trudeau nêu rõ: "Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ người Canada và lợi ích của mình. Chúng tôi không gia tăng căng thẳng, nhưng chúng tôi cũng sẽ không lùi bước".

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 21/8 tuyên bố nếu xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị cắt giảm xuống mức 0, các vùng biển quốc tế sẽ không còn được đảm bảo an ninh như trước, đồng thời cảnh báo Washington không nên gia tăng sức ép với Tehran. Ông Rouhani cũng nói thêm rằng "sức ép đơn phương chống Iran không thể có lợi cho họ (Mỹ) và sẽ không thể đảm bảo an ninh cho họ trong khu vực cũng như trên thế giới." Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhắc lại quan điểm cứng rắn của Tổng thống Rouhani khi cảnh báo Tehran sẽ hành động "một cách không thể dự đoán" để đáp trả những chính sách "không thể đoán trước được" của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Và khi hai bên đều hành động không thể đoán trước, "sẽ dẫn đến hỗn loạn."

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 tuyên bố ông sẽ hoãn cuộc gặp vốn đã được lên kế hoạch với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen do bà không quan tâm đến việc thảo luận việc bán đảo Greenland cho Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng để ngỏ khả năng Mỹ sẽ mua lại đảo Greenland của Đan Mạch dù "thương vụ này không phải là ưu tiên hàng đầu của Washington." Về phần mình, AFP đưa tin Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 21/8 cho biết bà "phẫn nộ và bất ngờ" vì Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến thăm Đan Mạch sau khi chính phủ của bà tuyên bố không bán vùng lãnh thổ Greenland. Tuy nhiên, bà khẳng định quan hệ giữa Mỹ và Đan Mạch vẫn vững mạnh.

Trung Quốc đã xác nhận ca nhiễm cúm gia cầm H5N6 ở người được ghi nhận ở thành phố Bắc Kinh. Bệnh nhân là nữ giới, 59 tuổi đến Bắc Kinh vào khoảng 3 tháng trước và có tiếp xúc với gia cầm đã giết mổ. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh chỉ xuất hiện vào ngày 6/8 vừa qua. Sau đó, các nhân viên y tế xác nhận bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm H5N6. Đây là chủng cúm gia cầm nguy hiểm, chủ yếu lây nhiễm sang người khi tiếp xúc với gia cầm sống, gây tử vong. Cho đến nay, chưa có báo cáo về các trường hợp lây nhiễm loại virus này từ người sang người. Tuy nhiên, giới chức y tế khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với gia cầm sống, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ.

Saudi Arabia đã bắt đầu cho phép phụ nữ trưởng thành được tự do đi lại mà không cần phải xin phép, đồng thời có nhiều quyền hơn trong các vấn đề gia đình. Giới chức Saudi Arabia đã từng bước gỡ bỏ các hạn chế đối với phụ nữ trong những năm qua, bao gồm chấm dứt quy định cấm phụ nữ lái xe từ năm ngoái. Một loạt sắc lệnh Hoàng gia cũng đã được ban hành hồi đầu tháng này nhằm xóa bỏ các hạn chế đối với phụ nữ, trong đó bao gồm quy định hộ chiếu cho công dân Saudi Arabia sẽ được cấp cho bất kỳ công dân nào có đơn đề nghị và bất kỳ người nào trên 21 tuổi mà không cần sự cho phép đi lại. Các thay đổi trên cũng lần đầu tiên trao cho phụ nữ quyền đăng ký sinh con, kết hôn hoặc ly hôn, có quyền làm người giám hộ cho con khi chưa đủ tuổi thành niên.

Mới đây, tổ chức Ocean Cleanup (Làm sạch biển) đã triển khai một hệ thống thu gom rác nhựa trên biển. Tấm lưới được sử dụng hoạt động theo chiều gió và sóng biển để gom dần rác nhựa. Tấm lưới hoạt động theo tốc độ trôi của rác nhựa, nên không để lọt bất cứ miếng rác nào đã vào lưới lại trôi thoát ra ngoài. Tấm lưới này có một hệ thống phao với đường kính 32cm. Đây là bản nâng cấp lần 2 của hệ thống gom rác nhựa trên biển được tổ chức Ocean Cleanup triển khai.

Tin thể thao:

De Gea khiến MU lo sốt vó: Mới đây, giới truyền thông xứ Sương mù dự đoán rằng De Gea sẽ gia hạn hợp đồng với MU sau khi anh kết thúc kỳ nghỉ Hè. Mặc dù vậy, thủ môn người Tây Ban Nha vẫn chưa đặt bút kí vào bản hợp đồng trị giá 350 nghìn bảng/tuần. Vấn đề duy nhất khiến De Gea chưa cam kết tương lai ở MU đó là điều khoản quy định cầu thủ giảm 25% lương nếu CLB không giành vé dự Champions League. Tình hình có thể tồi tệ hơn với MU nếu tới tháng Giêng, De Gea vẫn chưa chịu gia hạn hợp đồng. Thủ môn người Tây Ban Nha thậm chí có thể từ chối cam kết tương lai ở Old Trafford và ra đi theo dạng tự do vào Hè năm sau. PSG và Real Madrid đang rất quan tâm tới De Gea.

PSG từ chối đề nghị hỏi mua Neymar của Real Madrid: Tờ L'Equipe (Pháp) cho biết PSG đã từ chối đề nghị chiêu mộ Neymar của Real Madrid. Đội bóng chủ sân Bernabeu đã gửi lời đề nghị trị giá 100 triệu euro cùng với 3 cầu thủ là James Rodriguez, Gareth Bale và Keylor Navas để đổi lấy sự phục vụ của Neymar. Mặc dù vậy, PSG đã lắc đầu trước đề nghị này. Juventus và Barcelona cũng rất quan tâm tới Neymar. Theo trang tin Calciomercato (Italy), PSG đã đưa ra mức giá 100 triệu euro cộng với 2 cầu thủ nữa khi mà Barcelona muốn đưa Neymar trở lại Camp Nou. PSG đã từ chối phương án cho Barcelona mượn Neymar kèm theo thỏa thuận mua đứt. Barca đang gặp khó khăn về tài chính sau khi chi 120 triệu euro để mua Griezmann nên rất khó đáp ứng yêu cầu của PSG.

MU nhận tin không vui về Dembele và Sancho: Dù Rashford và Martial đều chơi tốt ở đầu mùa bóng mới nhưng MU được cho là vẫn có kế hoạch chiêu mộ tiền đạo trong tương lai với hai mục tiêu được nhắm đến là Jadon Sancho (Dortmund) và Moussa Dembele (Lyon) nhưng họ vừa nhận tin không hay liên quan tới hai chân sút này. Lyon khẳng định không muốn bán Dembele trong tương lai gần bất kể là cho đội nào. Trong khi đó có tin nói Sancho đã đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng với Dortmund và theo hợp đồng mới thì anh sẽ hưởng lương 190.000 bảng/tuần. Nếu đúng vậy, cơ hội chiêu mộ một trong hai chân sút này trở nên thực sự khó khăn với Quỷ Đỏ.

Xhaka trở lại Arsenal ở trận gặp Liverpool: Theo Daily Mail, tiền vệ Granit Xhaka có thể trở lại trong trận đấu giữa Arsenal và Liverpool vào ngày 24/8 tới. Cầu thủ người Thụy Sĩ vắng mặt ở trận đấu với Burnley do chấn thương lưng nhưng HLV Unai Emery hy vọng anh sẽ có mặt ở trận gặp Liverpool tại Anfield. Xhaka đã trở lại tập luyện cùng các đồng đội trong tuần này sau khi bình phục chấn thương. Do vậy, nhiều khả năng anh sẽ ra sân ở trận đấu gặp Liverpool. Ngoại Hạng Anh chỉ có Liverpool và Arsenal là toàn thắng sau 2 vòng đấu ở mùa giải này.

Ronaldo có thể treo giày mùa tới: Cristiano Ronaldo vừa tiết lộ rằng anh có thể giã từ sân cỏ mùa tới nhưng cũng không loại trừ khả năng chơi bóng tới năm 40 hay 41 tuổi. Siêu sao Bồ Đào Nha ghi 28 bàn/43 trận ở các giải trong mùa đầu tiên cho Juventus và anh cùng đồng đội sẽ bắt đầu mùa giải mới bằng chuyến làm khách của Parma cuối tuần này. “Tôi có thể treo giày mùa tới nhưng cũng có thể đá tới năm 40 hay 41 tuổi. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Quan trọng là tôi đang cảm thấy hạnh phúc. Tôi luôn nói rằng cần tận hưởng hiện tại. Đó là món quà và tôi không muốn bỏ lỡ”, CR7 cho biết.

Luật sư Ronaldo thừa nhận trả tiền để che đậy vụ kiện hiếp dâm. Kênh truyền hình CNN tại Mỹ cho biết đội luật sư được Cristiano Ronaldo thuê để bảo vệ anh trước những cáo buộc hiếp dâm hồi năm 2009 của cô Kathryn Mayorga đã thừa nhận họ được Ronaldo giao số tiền 375.000 USD để trả cho Mayorga hồi năm 2010 nhằm đổi lấy sự im lặng của Mayorga. Tuy nhiên thông tin này chỉ có nghĩa phía Ronaldo không muốn làm to chuyện, chứ không có nghĩa Ronaldo thừa nhận mình có tội.

Juventus chờ cơ hội chiêu mộ Eriksen miễn phí: Không ngạc nhiên khi Juventus lại nhăm nhe chiêu mộ Christian Eriksen miễn phí từ Tottenham. Tiền vệ người Đan Mạch chỉ còn 1 năm hợp đồng với Spurs nhưng đã từ chối gia hạn dù Tottenham đề nghị mức lương 11 triệu euro/mùa. Eriksen được liên hệ với Real, MU và Juventus. Nhưng anh đã từ chối MU. Real chưa bao giờ tỏ ra thực sự quan tâm đến anh nên Juve hi vọng họ có thể chiêu mộ được Eriksen miễn phí như họ từng làm với nhiều ngôi sao khác. Tottenham rất muốn bán Eriksen trước khi TTCN đóng cửa nhưng có vẻ không đội nào chấp nhận mua anh với giá cao lúc này do biết Eriksen chỉ còn 1 năm hợp đồng.

Mauro Icardi ở lại Inter Milan? Mauro Icardi viết trên Instagram rằng anh đã có nhà ở Milan kèm hình ảnh nơi anh cư ngụ như một cách ngụ ý rằng anh sẵn sàng ở lại Inter mùa này. Chân sút Argentina từ chối gia nhập Napoli, Roma và chỉ muốn đến Juventus nhưng Juve lại không thể mua Icardi do chưa bán được bất kỳ chân sút nào không nằm trong kế hoạch của HLV Sarri. Về phía Inter, HLV Antonio Conte khẳng định không dùng Icardi mùa này nên chưa biết nếu ở lại thì anh có bị buộc phải tập cùng đội dự bị hay không. Icardi còn 2 năm hợp đồng và Inter định giá anh khoảng 60 triệu euro.

Modric bị treo giò 1 trận. Tiểu ban kỷ luật của La Liga đã công bố các án phạt sau vòng đấu đầu tiên của mùa giải. Với thẻ đỏ của Luka Modric trong trận đấu Celta Vigo – Real Madrid, tiền vệ người Croatia này sẽ chỉ bị treo giò 1 trận, dù thông tin báo chí cho hay Real thậm chí còn muốn xin xóa thẻ vì họ cho rằng có đủ căn cứ cho thấy pha bóng dẫn tới thẻ đỏ của Modric không phải là ác ý. Như vậy Modric sẽ nghỉ trận đấu Real Madrid – Real Valladolid ngày 25/8 tới.

Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình toàn cầu hóa

Những biến động trên thị trường chứng khoán thế giới thời gian gần đây, trong đó đáng chú ý là chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones của Mỹ đã giảm hơn 800 điểm hồi tuần trước, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một trong những “cơn gió ngược” lớn nhất tác động tới tâm lý của các thị trường là yếu tố rủi ro địa chính trị, khi dư luận ngày càng quan ngại về tương lai của toàn cầu hóa, vốn từ lâu đã là nét đặc trưng trong các hoạch định chính sách thế giới.

Theo bài phân tích mới đây trên mạng tin Arab News, một ví dụ mới nhất về nhân tố rủi ro địa chính trị này là những biện pháp “ăn miếng trả miếng” gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong bối cảnh Washington đang cân nhắc áp thêm hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh coi đây là sự vi phạm các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn. Điều này có thể đẩy cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước cuộc “chiến tranh thương mại” sâu rộng và toàn diện. Ở một số khía cạnh, mức độ rủi ro địa chính trị hiện nay thậm chí được coi là cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, cho thấy những sức ép lớn mà tiến trình toàn cầu hóa đang phải trải qua.

Hai trong số các cường quốc thế giới thường được biết đến với việc đặt ra các quy tắc trong các vấn đề toàn cầu là Mỹ và Anh thì nay lại đang khiến thế giới trở thành “sân khấu” đầy bất ngờ với những quyết định khó lường của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump, viễn cảnh “Brexit trong hỗn loạn” khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, các vấn đề và bối cảnh chính trị đầy biến động sau Brexit và chiến thắng lịch sử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 thực tế cũng đã xuất hiện “âm ỉ” ở nhiều quốc gia khác. Một ví dụ khác gần đây là tình trạng căng thẳng chính trị tái diễn ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Chính phủ nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ trong những tuần tới khi bất đồng gia tăng giữa Brussels và Rome liên quan tới vấn đề nhập cư và kỷ luật ngân sách.

Trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng sự trỗi dậy chống lại các nền tảng tự do sẽ tiếp tục định hình các nghị trình chính trị, ngay cả khi những người theo đường lối chủ nghĩa dân túy không giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Điều đáng chú ý là bối cảnh chính trị hiện nay nổi lên có tính chất định kỳ sau giai đoạn các thị trường toàn cầu đã được thiết lập lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Những thách thức quốc tế hiện tại đều có một đặc điểm chung và vận động xung quanh một trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, trong đó có sự gia tăng căng thẳng gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan trong vấn đề Kashmir; mối quan hệ giữa Washington và Moskva đang rơi xuống điểm thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ; tiến trình hòa bình đình trệ giữa Israel và Palestine; bất ổn tiếp diễn ở các quốc gia từ Syria, Afghanistan cho tới Libya. Đó là chưa kể đến những nguy cơ trỗi dậy và khó có thể kiểm soát của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và các tư tưởng cực đoan khác.

Đằng sau những căng thẳng địa-chính trị đó, không thể không nhắc tới sự dịch chuyển đáng kể trong cán cân sức mạnh toàn cầu từ các cường quốc phát triển sang các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu ở châu Á và đặc biệt là Trung Quốc. Mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng vị thế của Mỹ đã suy giảm tương đối trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, giữa vô vàn thách thức đối với tiến trình toàn cầu hóa, thế giới cũng chứng kiến sự vận động đối nghịch giữ vai trò duy trì nền tảng trật tự toàn cầu hóa quốc tế hiện nay.

Trong bối cảnh nhiều thỏa thuận đa phương lớn đang trở nên khó bảo đảm hơn, sự ra đời của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bất chấp sự rút lui của Mỹ là một minh chứng cho sự thành công của thương mại đa phương. 11 nền kinh tế thuộc CPTPP hiện chiếm 13% thương mại toàn cầu, và khối thương mại này được coi là có quy mô lớn thứ ba sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và EU. Đáng chú ý, NAFTA cũng đã được tái khởi động đàm phán trong một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ-Mexico-Canada.

Bên cạnh đó, EU gần đây đã ký kết một loạt các thỏa thuận kinh tế lớn với các quốc gia như Canada và Nhật Bản.

Chủ nghĩa đa phương kinh tế từng được gây dựng từ một mạng lưới các thể chế quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc. Không thể phủ nhận Liên hợp quốc cũng phải đối mặt với những cải cách, song thể chế đa phương này vẫn giữ vai trò duy trì ổn định và ngoại giao quốc tế.

Trong tương lai, động lực cơ bản của toàn cầu hóa có lẽ sẽ được làm mới và quay trở lại, còn trong bối cảnh hiện nay điều đó sẽ phụ thuộc vào xu hướng vận động của quan hệ Mỹ-Trung. Một khi căng thẳng thương mại hai nước gia tăng, xu hướng toàn cầu hóa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Trong trường hợp ngược lại, nó sẽ đem lại những tiềm năng mới cho sự hợp tác hiệu quả. Hợp tác song phương gia tăng cũng có thể là tiền đề để giải quyết các “vấn đề mềm” như biến đổi khí hậu hay giải quyết hiệu quả những tranh chấp chủ quyền như tại khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh song phương sẽ tiếp diễn và có nguy cơ leo thang nếu sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh tiếp tục phát triển nhanh chóng, trong bối cảnh Trung Quốc đang theo đuổi lập trường chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt đối với các nước láng giềng ở châu Á.

Tóm lại, quá trình toàn cầu hóa rõ ràng đang gặp phải những thách thức rất lớn. Sự bất định lớn nhất chính là tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung, khi nó có thể vừa là một lực cản gây bất ổn toàn cầu, hoặc cũng có thể là chất xúc tác thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn nếu căng thẳng đó được giải quyết ổn thỏa.

Hay nói cách khác, tương lai của toàn cầu hóa sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng của quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, nhân tố sẽ định hình việc liệu toàn cầu hóa sẽ được làm mới, phát triển lên một nấc thang mới hay rơi vào trạng thái thụt lùi.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 22/08/2019 là 1 AUD = 0.678 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 22/08/2019 là 1 AUD = 15,753 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 31 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, sáng sớm có sương mù ở khu vực phía Bắc, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–18 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–23 độ.

Tại Sydney, trời nắng, buổi sáng có sương giá ở khu vực phía Tây, sóng lớn có thể xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–19 độ.

Tại Melbourne, sáng sớm có sương mù và sương giá ở khu vực phía Đông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–17 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này